ENGVN
145 Nguyễn Văn Quỳ, P Tân Thuận Đông, Quận 7, Tp.HCM
Hotline: 0904929141
  • 23585139520
  • 23585139520
  • 23585139520
  • 23585139520
  • 23585139520

CHI TIẾT TIN TỨC

18-10-2015 10:03:14 PM // 4995 Lượt xem

Giám định khối lượng hàng hóa

Làm thế nào để cân 1 con voi ? Theo giai thoại dân gian Việt Nam, từ thế kỷ 15 Trạng Lường Lương Thế Vinh đã làm cho sứ thần nhà Thanh là Chu Hy sửng sốt khi giải được câu đố hiểm hóc: cân con voi đang kéo gỗ từ dưới sông lên bờ bằng một chiếc cân thông thường. Lương Thế Vinh đã sai quân lính dắt voi xuống một chiếc thuyền bỏ không, đánh dấu mép nước trên mạn thuyền, dắt voi lên bờ rồi cho đá hộc xuống bằng mức nước đã đánh dấu, cân toàn bộ số đá trên thuyền để tính ra cân nặng của chú voi.

Đến thế kỷ 21 này, có bao nhiêu cách để người ta xác định khối lượng hàng hóa? Khái niệm “khối lượng" có phải lúc nào cũng gắn với hình ảnh "chiếc cân".

Khối lượng hàng hóa, trên thực tế chính là số lượng hàng tính theo đơn vị khối lượng như tấn, kilôgam…. Trong hợp đồng thương mại cũng như trong giao nhận vận chuyển, khối lượng hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của bên mua/ bên bán do đó được các bên đặc biệt quan tâm xem xét và kiểm tra. Trong thương mại quốc tế, quá trình thực hiện hợp đồng thường phải qua nhiều khâu như sản xuất, đóng gói, giao nhận, vận chuyển nên thường chứa đựng và tiềm ẩn nhiều khả năng gây nên sự thiếu hụt, mất mát, tổn thất về hàng hóa do cả chủ quan cũng như khách quan. Những thiếu hụt, hao tổn, mất mát này có thể dẫn đến tranh chấp thương mại giữa bên mua, bên bán hoặc giữa bên mua, bên bán và bên thứ 3 có liên quan….Trong số các tranh chấp này tranh chấp về khối lượng là loại tranh chấp thường gặp. Đối với bên vận chuyển, khối lượng là mối quan tâm hàng đầu để làm cơ sở tính cước phí vận chuyển hàng hóa. Bên bảo hiểm cần xác định chính xác khối lượng hàng hóa thiếu hụt để làm cơ sở bồi thường. Ngoài ra, các cơ quan quản lý Nhà nước trong nhiều trường hợp cũng cần xác định khối lượng hàng hóa để làm thủ tục thông quan xuất nhập khẩu.

Để xác định khối lượng phục vụ cho các mục đích nêu trên, người ta thường sử dụng dịch vụ giám định khối lượng của một tổ chức giám định độc lập, trung lập như một bằng chứng khách quan. Giám định khối lượng hàng hóa là sử dụng các phương pháp, dụng cụ thích hợp được các cơ quan thẩm quyền của Nhà nước cho phép lưu hành để kiểm tra khối lượng thực tế của hàng hóa. Có nhiều phương pháp để xác định khối lượng hàng hóa, tùy thuộc vào loại hàng, số lượng, quy cách đóng gói, vận chuyển…:giám định bằng phương pháp cân (cân bàn, cân cầu), giám định bằng phương pháp đo (đo mớn nước, đo thể tích, đo dung tích rồi căn cứ vào tỉ trọng tính ra khối lượng). Trong các phương pháp nêu trên, mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định.
Giám định bằng cân bàn thường áp dụng đối với hàng hóa có giá trị cao, được đóng thành bao/ kiện/ thùng… có khối lượng từ một vài chục đến hàng trăm ki lô gam. Giám định bằng cân bàn có độ chính xác cao nhất, thông lệ quốc tế thường chấp nhận mức dung sai +/_ 0,3 % và có thể cân tại mọi nơi, mọi lúc. Tuy nhiên cân bàn không áp dụng được với các kiện hàng có khối lượng quá lớn hoặc kích thước cồng kềnh. Ngoài ra, chi phí cho xác định khối lượng bằng cân bàn thường lớn do phải bố trí công nhân, phương tiện đặt lên hạ xuống bàn cân và mất nhiều thời gian cân. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kết quả cân, vì vậy người giám định viên cần phải đảm bảo tuân thủ nghiêm túc quy trình cân, chỉ sử dụng những cân đã được chứng nhận kiểm định, kê cân chắc chắn ở nơi bằng phẳng, tránh gió, trước khi cân phải kiểm tra tình trạng cân và đọ cân ở mức cân lớn nhất để đảm bảo kiểm tra được tính chính xác của cả cân và quả cân.

Giám định khối lượng bằng cân cầu thường áp dụng đối với lô hàng rời hoặc đóng gói thành những đơn vị bao gói có khối lượng lớn hoặc những lô hàng có số lượng lớn. Đối với cân cầu, phải cân khối lượng 2 lần, lần đầu cân khối lượng phương tiện vận chuyển chưa xếp hàng (bì) và một lần cân khối lượng phương tiện đã xếp hàng, trên cơ sở đó tính ra khối lượng hàng thực tế. Trong giám định khối lượng bằng cân cầu, đặc biệt quan trọng là phải đảm bảo khối lượng phương tiện vận chuyển (bì) giữa 2 lần cân ít thay đổi nhất để không bị ảnh hưởng đến khối lượng hàng. Nhận thức rõ điều này, Vinacontrol thường bố trí giám định viên giám sát/ áp tải phương tiện vận chuyển trong quá trình cân. Giám định khối lượng bằng cân cầu có thể khắc phục được một số tồn tại của cân bàn, nhưng cũng có những hạn chế như: chỉ thực hiện được ở những địa điểm có bố trí nhà cân, chi phí thuê cân lớn, Ngoài ra, do chi phí để kiểm tra độ chính xác của cân cầu rất lớn nên cân cầu thường chỉ được kiểm tra định kỳ vào thời điểm hết hạn sử dụng.

Giám định khối lượng bằng phương pháp đo mớn nước thường áp dụng đối với những lô hàng rời như than, cát, clinker, quặng, phân bón, lúa mì…có số lượng lớn, thường là thuê cả tầu để vận chuyển. Nguyên lý của phương pháp giám định khối lượng qua mớn nước được xây dựng trên cơ sở định luật Acsimet. Để xác định khối lượng hàng, phải đo mớn nước và căn cứ vào tài liệu tính toán để tính ra lượng choán nước của phương tiện vận tải thủy trước và sau khi xếp/dỡ hàng, đồng thời xác định tỉ trọng nước ở khu vực phương tiện neo đậu, trên cơ sở đó tính ra khối lượng hàng. Mức độ chính xác của kết quả giám định phụ thuộc vào một số yếu tố khách quan ví dụ như tuổi hoạt động của phương tiện vận tải, các khác biệt do bảo dưỡng, sửa chữa so với thiết kế gốc, đăng kiểm, mức độ đáp ứng của tài liệu tính toán, điều kiện thực hiện vụ giám định như sóng, gió, thủy triều….Ngoài ra yếu tố chủ quan có ý nghĩa cực kỳ quan trọng: đó là ý thức tuân thủ nghiêm ngặt các phương pháp/ quy trình giám định cũng như trình độ, tay nghề và kỹ năng, kinh nghiệm đo đạc, tính toán và xử lý các vấn đề phát sinh của giám định viên.Với sự hỗ trợ của máy tính, giám định khối lượng bằng phương pháp đo mớn được thực hiện nhanh chóng, thuận tiện, chi phí thấp hơn phương pháp cân thông thường. Tuy nhiên độ chính xác của phương pháp này lại thấp hơn phương pháp cân, thông lệ quốc tế thường chấp nhận mức sai số cho phép là +/- 0,5 %.

Đối với những loại hàng hóa có khả năng xác định chính xác thể tích, dung tích như hàng lỏng (sản phẩm xăng dầu, nhựa đường, hóa chất lỏng…) thường sử dụng phương pháp đo thể tích, dung tích để xác định khối lượng. Giám định khối lượng hàng lỏng là đo chính xác dung tích hàng lỏng trong hầm hàng trước và sau khi xếp/dỡ hàng để tính ra dung tích hàng đã xếp/dỡ ở nhiệt độ thực tế sau đó quy về dung tích ở nhiệt độ tiêu chuẩn và căn cứ vào tỷ trọng hàng hóa ở nhiệt độ tiêu chuẩn để tính ra khối lượng hàng. Ngoài ra, đối với loại hàng sắt thép người ta cũng có thể xác định khối lượng bằng cách đo chiều dài (đối với thép cây, thép hình ), đo diện tích ( đối với thép tấm , thép lá) sau đó căn cứ vào Barem tính ra khối lượng hàng.

Hiện nay, giám định khối lượng là một trong những loại hình giám định truyền thống, đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm của Vinacontrol. Với hệ thống quy trình, phương pháp được xây dựng chi tiết cho từng công việc, được kiểm soát bằng hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn, tập quán, các thông lệ quốc tế và giám định viên đã được đào tạo bài bản, thành thạo chuyên môn, Vinacontrol có đủ khả năng thực hiện chính xác giám định khối lượng đối với tất cả các mặt hàng xuất nhập khẩu cũng như hàng hóa lưu thông trên thị trường. Chứng thư giám định khối lượng của Vinacontrol là bằng chứng pháp lý tin cậy không chỉ trong lĩnh vực thương mại nói chung mà còn đáp ứng được các yêu cầu phục vụ cho công tác quản lý của các cơ quan Nhà nước.